Tinh Vi    •    Tinh Vi    •    Tinh Vi
 
Trang chủ    •   Tin tức    •   Diễn đàn    •   Chat
   
    ◊ Tiêu chí chia sẻ tài liệu trên website tinhvi.com

- Bất kỳ tài liệu nào mà bạn cảm thấy có thể có ích cho người khác, đều có thể upload lên website Tinh Vi.
- Ưu tiên tài liệu bằng tiếng Việt (trừ những phần chuyên ngành không thể dịch).
- Hoan nghênh tài liệu do chính tác giả ghi chép, tổng hợp từ bài học thực tiễn hoặc từ các khóa đào tạo.
- Gửi tài liệu trực tiếp ở dưới đây, kích thước file < 10 MB (nếu lớn hơn, xin Liên lạc để được hướng dẫn).

Lời tâm sự   |  Kinh nghiệm học hành   |  Kinh nghiệm dạy con   |   Trang chia sẻ
THIÊN TÀI CÓ ĐẾN 99% LÀ DO RÈN LUYỆN Những tấm lòng cao cả
Kinh nghiệm học các môn KHXH

Ngay từ thuở nhỏ, chúng ta đã được định hướng để có những phẩm chất thiên về các môn KHTN: thông minh, nhanh tay lẹ mắt, suy luận... nhưng lại không được chú trọng đúng mức đến các phẩm chất thiên về các môn KHXH: ứng xử, ăn nói, ý thức, trách nhiệm... Bố mẹ thường nói: chúng nó còn nhỏ lắm! Thậm chí cả đến khi mọc râu rồi thì trong con mắt bố mẹ, chúng ta vẫn luôn là những đứa trẻ.

Thật ra, các kỹ năng thiên về KHXH không chỉ là chuyện "người lớn", mà cần phải được giáo dục trước tiên với trẻ nhỏ (dĩ nhiên với liều lượng phù hợp). Không hiếm những đứa trẻ được chăm sóc trong nhung lụa đã trở thành những ông trời con như thế nào. Chúng cần phải được học cách giao tiếp với mọi người xung quanh và thế giới bên ngoài một cách đúng đắn trước khi học cách tác động lên thế giới đó.

Đọc sách rõ ràng là biện pháp quan trọng trước nhất. Từ những cuốn truyện toàn là tranh vẽ, đến các câu chuyện cổ tích lắm chữ nhiều hình, rồi đến các câu chuyện đời thực toàn chữ... Một người lớn có thể đọc một cuốn sách bao nhiêu lần? Thường là chỉ một lần, hãn hữu lắm với đọc lại lần thứ 2-3. Nhưng một đứa trẻ có thể xem/đọc say sưa một cuốn truyện hàng chục lần không biết chán.

Chúng sống với những nhân vật ở trong truyện. Đầu óc trẻ em như một tờ giấy trắng, lại còn được viết đi viết lại hàng chục lần như thế thì ta có thể hiểu ngôn ngữ đã được ghi dấu vào đầu chúng như thế nào. Chúng sẽ học được các ngôn từ mới (trẻ em đứa nào cũng khoái trá khi được nói những từ ngữ "mới lạ"), học cách hành văn, học cả việc hiểu tính cánh nhân vật... ngay từ những cuốn truyện đầu đời. Có thể nói, đọc sách sớm là một điều kiện bắt buộc để sau này có thể giỏi văn và góp phần hình thành nhân cách.

Có một cuốn sách mà tôi đọc từ nhỏ đã chi phối tôi đến tận bây giờ. Đó là cuốn "Những tấm lòng cao cả". Không hề sớm khi tôi đã đọc nó ngay từ lớp 3, bởi vì lúc đó tôi đã rớm nước mắt khi đọc đến đoạn cậu bé xô ngã cô bạn gái mới quen xuống thuyền cứu nạn để nhường "suất thoát hiểm" cuối cùng. Còn cậu và người thuyền trưởng thì từ từ chìm theo con tàu. Tôi hiểu rằng "anh hùng" có thể xuất phát từ những gì bình dị nhất, chứ không phải là một từ đao to búa lớn gì. Nhờ câu chuyện đó, tôi cũng có thêm một kiến thức: khi tàu gặp nạn thì thuyền trưởng phải là người cuối cùng rời tàu. Kiến thức đó không chỉ là kiến thức đơn thuần, mà còn là một bài học về tư cách làm người.

Đọc sách cũng là một phương pháp để giỏi Địa lý, Lịch sử tuy không then chốt như trong trường hợp môn Văn. Trong trường này, các yếu tố khác như lời giải thích của người lớn, các chương trình trên TV, các chuyên mục trên báo thiếu nhi... có vai trò bổ sung rất quan trọng. Cô giáo dạy tôi môn Địa lý có lần nói trước lớp rằng cô rất thích những câu hỏi của tôi trong lớp, vì nó thông minh và chứng tỏ có óc quan sát. Nó xuất phát từ hồi nhỏ tôi đã luôn quan tâm đến thế giới xung quanh và có điều kiện để được như vậy. Chẳng hạn, tôi cứ day dứt mãi với ý nghĩ tại sao quả địa cầu lại tròn, vậy những người ở Nam Cực phải đi chỏng đầu xuống dưới sao?

Kể cả những môn khô khan như Lịch sử, nền tảng ban đầu cũng vẫn là những kiến thức xã hội mà ta nhập tâm từ thuở nhỏ. Gia đình tôi, từ cậu dì chú bác đều quan tâm đến thời sự. Có thể nói vanh vách ông này bà nọ khi họ vừa xuất hiện trên TV. Tôi chẳng mấy quan tâm, nhưng khoái trí với trò đi qua nhà bạn bè và tiếp đón nhau long trọng giống như mấy ông tổng thống ghé thăm các nước. Tôi cũng rất khoái chí khi mình làm một điều gì đó và được mọi người khen rằng: thằng này khôn khéo cứ như là một... chính trị gia. Bạn tôi thì cãi rất hăng "nước lớn nhất thế giới là nước... Liên Hiệp Quốc", từ đó nó mới có sự quan tâm và khi hiểu ra sai lầm của mình rồi thì hẳn nhiên nó sẽ hiểu sâu sắc Liên Hiệp Quốc là gì. Cứ thế, ta có thể thấy rằng môn Lịch sử thật ra cũng không khô khan và không xa rời thực tế chút nào. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập hiện nay, một biến cố ở tận đâu đâu cũng có thể ảnh hưởng tới giá cả ở VN lại càng khiến sự quan tâm đến lịch sử, chính trị trở nên dễ dàng hơn.

Ở đây phải nói đến yếu tố "từng trải". Một đứa trẻ càng trải nghiệm nhiều hoàn cảnh, môi trường khác nhau càng có cơ hội tiếp nhận kiến thức. Một bài học về "biển mênh mông" sẽ rất mơ hồ (do đó cũng khó được tiếp thu), nhưng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu như ta đã từng đứng ngắm biển và ngụp lặn với sóng biển trong một kỳ nghỉ hè cùng với gia đình. Có vô số những con số cần phải nhớ ở trong môn Lịch sử, Địa lý... nhưng chúng sẽ bớt khô khan nếu như ta có thể liên hệ được rằng năm xảy ra chiến dịch Biên giới trùng với... số nhà của ông Việt kiều hàng xóm. Không phải ngẫu nhiên mà một công ty bột giặt gần đây lại có mẫu quảng cáo khuyến khích trẻ em... nghịch bẩn. Những trải nghiệm trong cuộc sống, một lúc nào đó (vô thức hay có ý thức) sẽ tác động lên việc tiếp thu kiến thức trong nhà trường, cả với các môn KHXH lẫn KHTN.

Khi tôi học tại một trường ĐH khối kỹ thuật, các môn như kinh tế chính trị, lịch sử Đảng... tôi lại đạt điểm khá cao. Bí quyết là phải biết nhìn xuyên qua cái vỏ khô khan của nó để phát hiện ra sức sống của nó. Khi học Triết, hãy dành thời gian để đọc thêm tài liệu về tình bạn giữa Marx và Engels, bạn sẽ thấy bên cạnh cái môn học "lý sự" này là những cuộc sống, những cuộc tranh đấu rất gần gũi với đời thường. Qua đó bạn cũng hiểu thêm về con người của thời đó và bối cảnh ra đời của thuyết duy vật biện chứng.

Cuộc sống ngày càng tân tiến, kéo theo những mặt trái của nó: sự phổ biến của TV, đầu đĩa và các trò chơi hiện đại... là rất tốt đối với trẻ em. Nhưng trong một chừng mực nào đó, nó khiến đứa trẻ phát triển mất cân đối: Chúng hẳn nhiên phải thích những gì "hiện đại", "tân kỳ" hơn là những gì "cổ điển" như đọc sách, giao tiếp với mọi người, các rèn luyện về sự khéo tay/vận động... Khắc phục những mặt trái này thì sẽ tạo ra một nền tảng tốt để có thể học giỏi.

Tóm lại, kinh nghiệm của tôi để học tốt các môn KHXH là:

  • Có sự chuẩn bị nền tảng tốt ngay từ nhỏ: Dành tỷ lệ thời gian thích hợp cho sách, báo và được người lớn quan tâm giải thích với liều lượng phù hợp (tránh các câu nói "tụi bây còn nhỏ, biết gì").
  • Có sự "trải nghiệm": Giao tiếp, đi lại, tham gia các hoạt động, đặc biệt là các trò chơi mô phỏng người lớn một cách lành mạnh (dĩ nhiên không phải chuyện nào của người lớn cũng mô phỏng được!).
  • Có sự xâu chuỗi: Điều này rất bổ ích với những môn như Lịch sử. Khi học về truyền thuyết nỏ thần Kim Quy, ta phải xâu chuỗi được giữa An Dương Vương và vua Hùng, ai trước ai? Và sau đó là đến ông vua nào? Lịch sử cận đại cũng vậy bạn phải vạch ra trình tự các sự kiện lịch sử trước khi có tham vọng học thuộc lòng được chúng. Hãy đặt câu hỏi so sánh giữa nhiều môn học: Khi nhà hóa học vĩ đại Lavoisier lật đổ thuyết nhiên tố thì Pháp đã sang đô hộ VN chưa? Lúc danh họa Picasso đang sống thì ở VN ông vua nào đang trị vì? v..v... và v..v...
  • Hệ thống hóa: Vô cùng quan trọng. Vì hệ thống hóa lại khiến cho cách nhìn của ta được đầy đủ và toàn diện hơn. Các tài liệu tôi đăng tải trên tinhvi.com thực chất cũng là một sự hệ thống hóa. Theo năm tháng ta có thể quên ít nhiều, nhưng chỉ cần liếc sơ các tài liệu do chính tay ta tự soạn thảo thì ta có thể giải quyết được ngay một "mớ bùi nhùi".
  • Đừng đặt nặng chuyện học vì điểm: Thật sự, học tập ngày nay đã quá tải nên thật khó để thuyết phục bạn hãy dành thời gian ra để nghiên cứu thêm những gì "ngoài lề" không có ích lợi gì trong kỳ thi sắp tới của bạn. Nhưng chính những cái "ngoài lề" ấy sẽ giúp con người của bạn cân bằng hơn, và đó hành trang không thể thiếu để bước vào đời. Do đó, sau khi đã hoàn tất các "nghĩa vụ" trong lớp, hãy dành một thời lượng thỏa đáng để đào sâu nghiên cứu và để giải đáp những câu hỏi "tại sao" và "như thế nào" mà sách giáo khoa không đề cập. Bạn sẽ thấy rằng, nhờ đó sẽ có ngày bạn sẽ được khen ngợi là một người "có kiến thức rộng".


Kinh nghiệm học các môn KHTN

- Sự trải nghiệm: một lần nữa, ta lại phải nói đến vai trò của sự trải nghiệm. Ngay từ lớp 4 tôi đã chế tạo chiếc xe ôtô đồ chơi bằng gỗ đầu tiên. Cái xe này cứ quẹo là đổ nghiêng. Tôi đã phải chui vào gầm một chiếc xe ôtô thật để hiểu ra nguyên nhân: 2 bánh trước của ôtô thật được xoay trên 2 trục song song nhau, nên bất kỳ lúc nào nó cũng đứng trên 4 chân; còn 2 bánh trước của ôtô đồ chơi của tôi thì xoay theo 1 trục (trực tiếp quay bởi vô-lăng), nên khi quẹo gấp thì nó chỉ còn đứng có 3 chân và chỏng gọng (giống hệt như một chiếc xích lô đang chạy mà quẹo gấp). Rõ ràng, tôi đã hiểu được vấn đề mặc dù phải nhiều năm sau đó tôi mới được học thế nào là trục xoay và thế nào là trục đối xứng.

Đến năm lớp 9, tôi đã làm chúng bạn ngạc nhiên khi chế ra một mô hình bắn tàu thủy: một dàn đèn tuần tự chớp tắt để diễn tả con tàu di chuyển. Cách đó một khoảng không, nếu ngắm trúng và bóp cò kịp thời thì sẽ có một hồi chuông vang lên. Tất cả chỉ làm bằng tay và không có bộ phận điện tử mua sẵn nào cả. Sự trải nghiệm có tầm quan trọng đặc biệt vì nó buộc phải động não để chế tạo ra những cái mà ta không có trong tay, hoặc để đưa ra những phương án mà vào thời điểm đó ta chưa có đủ trình độ/điều kiện để làm một cách tối ưu nhất.

Ngày nay học sinh ngày càng có ít sự trải nghiệm, một phần vì không có nhiều thời gian để "tọc mạch", phần khác vì điều kiện kinh tế xã hội phát triển: muốn gì thì ra mua là có ngay, khỏi cần phải tự chế làm chi vừa xấu xí vừa mất thời gian.

- Đơn giản hóa vấn đề: Trong giảng đường đại học, ta thường thấy những vị giảng viên sư đứng tuổi và có học hàm học vị cao thì giảng dạy rất đơn giản, rất dễ hiểu với sinh viên. Ngược lại, những giảng viên trẻ và học vị chưa cao thì lại có cách giảng bài rất "cao siêu", rất khó hiểu với sinh viên. Đó là một sai lầm nghiêm trọng của các giảng viên trẻ, họ muốn chứng tỏ trình độ của mình hay là muốn khỏa lấp những lỗ hổng kiến thức nào đó?

Nhẩm tính lại, ngay từ thời đi học phổ thông tôi đã có hàng trăm "học trò". Đó là những buổi vào trường để học nhóm (hồi đó cũng ít cái vụ đóng tiền học thêm tràn lan như bây giờ), cuối cùng thì bạn bè thống nhất để tôi lên bục giảng bài chung. Tụi nó nói rằng: nhiều chỗ thầy cô giảng khó hiểu quá, nhưng qua cách trình bày của tôi thì sao mọi chuyện đơn giản quá. Kể cả khi học Đại học, đến mùa thi là nhiều bạn đồng lớp lại cắp cặp đến nhà tôi nhờ "hệ thống" hóa lại những môn học đang rất "lờ mờ".

Đơn giản hóa chính là chìa khóa để ta có thể nhớ được nhiều và nhớ được chính xác những gì đã học. Nguyên tắc thực hiện cũng hết sức đơn giản: từ một đề tài phức tạp, ta phải cố nhìn ra được cái cốt lõi. Vẽ những điểm cốt lõi đó lên một sơ đồ khung và cố gắng lắp rắp những bài còn lại quanh bộ khung đó. Đôi khi có những chi tiết ta không thể lắp vào được, lúc đó phải tạm chấp nhận rằng kiến thức hiện nay của mình chưa thể giải đáp được. Những lần đầu tiên, bạn có thể "vẽ bộ khung" sai và thế là không thể lắp ráp lại được. Bạn sẽ phải xây dựng lại bộ khung khác. Dần dần theo năm tháng, kỹ năng "vẽ bộ khung" của bạn sẽ hoàn thiện và đó chính là khả năng phân tích vấn đề của bạn.

- Hãy cố hiểu các tiên đề: Hình học Euclide kỳ diệu ở chỗ từ những tiên đề hết sức đơn giản ban đầu, người ta đã chứng minh và xây dựng nên một môn học đồ sộ với vô vàn công thức và định luật. Nó kỳ diệu còn hơn cả việc từ 24 chữ cái ta có được hàng trăm ngàn từ khác nhau. Áp dụng cho các môn học khác: hãy cố gắng hiểu cặn kẽ ngay từ những vấn đề sơ đẳng ban đầu. Hầu hết học sinh đều không chú ý đến điều này. Đó cũng chính là hậu quả của việc học chạy đua với thành tích (mà cụ thể là điểm số). Những bài mở đầu thường là những khái niệm cơ sở, không có công thức tính toán gì nhiều và đề bài kiểm tra thì lại tập trung nhiều vào phần tính toán, chứ mấy khi hỏi những phần "sơ đẳng" ấy.

Cái lối tư duy này ảnh hưởng đến cả khi chúng ta bước ra đời. Bạn có thấy nhiều dự án đồ sộ, hoành tráng nhưng lại có đầy những lỗ hổng và sai lầm "sơ đẳng". Có một nhà tuyển dụng, khi hỏi một kỹ sư điện tử rằng khi nhấc máy điện thoại lên thì điện áp còn bao nhiêu volt. Anh ta không thể trả lời điều đơn giản này, dù rằng có thể trả lời trơn tru các đề tài hóc búa hơn nhiều.

Như vậy, việc dừng lại và "nghiền ngẫm" những khái niệm ban đầu không bao giờ là điều thừa thãi. Điều này nói chung khá dễ dàng, dù đôi khi cũng có vướng mắc. Tôi cứ nhớ mãi ngày đầu tiên học về định luật quán tính, cứ bần thần mãi với khái niệm "nếu không có lực tác động thì một vật đang chuyển động sẽ chuyển dộng thẳng đều mãi mãi". Giả sử có một viên bi đang lăn trên sàn nhà, nó sẽ dừng lại vì lực ma sát. Nếu sàn nhà càng nhẵn bóng (lực ma sát càng nhỏ) thì nó càng lăn xa: điều này tôi hoàn toàn có thể hình dung được. Nhưng nếu sàn nhà nhẵn đến mức ma sát bằng 0, thì viên bi sẽ lăn xa mãi mãi thì đó là một điều mà cậu học sinh lớp 7 như tôi lúc đó không thể tưởng tượng nổi. Thế nhưng, cứ nghiền ngẫm và suy nghĩ về nó, thì đến một lúc nào đó tôi cũng "dung nạp" được nó vào đầu. Và đây chính là tiền đề để dẫn tới việc dung nạp các kiến thức tiếp theo. Tôi đã trở thành một học sinh giỏi Vật lý từ những chuyện như vậy.

Nhân đây, xin kể cho các bạn nghe một câu nói của thầy giáo Vật lý của tôi. Câu nói này thuần túy khoa học nhưng lại có ý nghĩa triết lý hết sức thâm thúy: "Khi giải những bài toán về giới hạn, có những biểu thức hết sức phức tạp, không thể giải nổi nếu để nguyên như vậy. Nhưng nếu ta cho một phần của biểu thức tiến về epsilon và bỏ qua nó, thì biểu thức lại trở nên hết sức đơn giản và hoàn toàn có thể giải được dễ dàng."
Trong cuộc sống cũng vậy, nếu như ta cứ ôm đồm mọi chuyện, không biết nhìn ra những vấn đề nào là epsilon để bỏ qua, thì ta chẳng thể giải quyết bất kỳ cái gì.

- Hãy chứng minh, dù không bị bắt buộc: học sinh khi học lý thuyết trong lớp thường được thầy cô chứng minh công thức đầy đủ (trừ một số ít trường hợp phải chấp nhận vì sẽ được chứng minh ở lớp cao hơn). Nhưng sau đó, học sinh sẽ phải lao vào "công nghệ giải đề", dùng những công thức đã biết để giải các bài toán và hầu như không còn khái niệm tại sao ta lại có công thức đó. Chẳng mấy học sinh còn nhớ cách chứng minh công thức, vì chẳng có đề bài nào yêu cầu "cái chuyện hiển nhiên" đó.

Việc nhớ và hiểu cách chứng minh công thức có vai trò cực kỳ quan trọng. Nó không chỉ giúp học sinh có một nền tảng vững chắc về môn học mà còn giúp nhớ được công thức chính xác hơn (những khi nào "ngờ ngợ" công thức không biết đúng sai ra sao, thì ta có thể chứng minh nó).

Môn học Lượng giác là dẫn chứng tiêu biểu nhất cho lợi ích của việc chứng minh công thức: Thời đó, mặc dù giỏi Toán nhưng tôi lại hết sức ngán môn Lượng giác vì nó quá nhiều công thức. Đến kỳ nghỉ hè, tôi quyết định tự học lại từ đầu. Những bài chứng mình đầu tiên thật đơn giản, và thế là từ đó tôi chứng minh tiếp các công thức còn lại (thực ra cũng là nhìn theo SGK để chứng minh thôi, vấn đề là phải hiểu). Sau khi hiểu được toàn bộ công thức, tôi chép nó lại. Dù chỉ chép kết quả, không chép phần chứng minh nữa, nhưng số lượng công thức vẫn dày đặc nhiều trang giấy. Tuy vậy, lúc này chúng không còn là những công thức vô hồn nữa, mà tôi đã nhìn thấy "dây mơ rễ má" giữa chúng với nhau. Tôi bèn xóa bớt một số công thức nào có thể suy ra từ những công thức gần đó. Sau quá trình cô đọng, cuối cùng toàn bộ những công thức mà tôi cho rằng "đáng nhớ" chỉ còn chép đầy 1 tờ giấy đôi (4 trang). Sau kỳ nghỉ hè đó, tôi vào lớp mới và có thể giải mọi bài toán Lượng giác mà không hề phải dở SKG ra để xem lại công thức.

- Rút gọn và rút gọn: Thực chất nó gần giống như trường hợp rút gọn công thức lượng giác kể trên. Nhưng nó mang tính tổng quát hơn nhiều. Tôi đã hệ thống hóa toàn bộ kiến thức dưới dạng sổ tay. Mỗi cuốn sổ là một môn học. Thời đó không có máy tính để cut, paste, insert nên công việc rất vất vả. Mỗi môn học, tôi phải tự tổng kết lại, nhiều khi phải thay đổi cả cấu trúc chương/bài theo trình tự phù hợp với logic riêng của mình nhất. Sau nhiều lần tổng kết, tôi đã rút gọn được những gì cơ bản nhất vào cuốn sổ tay. Thời điểm đó thật hạnh phúc: sau bao nhiều kỳ công, cuối cùng tôi đã nhìn ra toàn bộ môn học và cô đọng nó thành một hệ thống hết sức cụ thể nhưng gọn gàng. Tính hiệu quả của việc này được minh chứng bằng một câu chuyện có thật sau:

Bạn của tôi có một cô em gái, học cũng khá nhưng không thể tiếp thu nổi môn Hóa. Cô bé lo sợ sẽ rớt kỳ thi tốt nghiệp, không phải vì thiếu điểm tổng cộng mà là sẽ bị điểm liệt môn Hóa: Cô bé hoàn toàn không hiểu gì hết và rơi vào trạng thái gần như là hoảng loạn mỗi khi đến giờ học môn này. Tôi chỉ có 1 tháng rưỡi để giúp đỡ cô học sinh này. Thế nhưng suốt một tháng đầu tiên, tôi hầu như không giải bộ đề Hóa nào, mà chỉ tập trung cho cô bé vào việc tổng kết và rút gọn lại toàn bộ chương trình Hóa. Quá trình này bao gồm cả phần học ở những năm trước mà cô bé đã mất căn bản. Thực ra, cô bé chỉ làm lại quá trình mà tôi đã tự làm trước đó, nhưng dễ dàng hơn nhiều vì đã có tôi hướng dẫn không phải mò mẫm trên con đường đó. Thậm chí, có những bài dễ quá cô bé ngạc nhiên học làm gì. Tôi nói cần phải học vì bài này chính là 1 phần trong bộ khung cuối cùng mà chúng ta phải hoàn tất. Một tháng ròng trôi qua chỉ làm một việc cặm cụi chép lại bộ khung và hiểu nó. Tôi ví von bộ khung này là một công cụ để "tác chiến", phải thuộc nằm lòng nó để khi cần "vũ khí" nào thì sẽ rút nó ra để giải quyết. Nửa tháng còn lại, chúng tôi mới bắt đầu giải bộ đề. Và đúng như lời tôi đã hứa: chỉ cần sử dụng linh hoạt những thứ "vũ khí" đơn giản đã học mà không cần phải thêm bất kỳ công cụ cao siêu, huyền bí nào khác. Cô bé bắt đầu hứng thú vì quả thực tự mình đã có thể giải quyết được những bài Hóa mà trước đây mình thấy khiếp đảm. Kỳ thi tốt nghiệp năm đó, điểm Hóa của cô ta là 9 điểm!

- Bài học cuối cùng: Hãy siêng năng làm bài tập. Đây là lời khuyên chân thành vì chính tôi đã phải trả giá đắt cho bài học này. Khi đã bỏ nhiều công sức ra để hiểu được vấn đề, để thấy được rằng mình đang "thông thái" hơn chúng bạn. Ta sẽ dễ có tư tưởng hài lòng đang đứng ở đỉnh cao và do đó không cần phải xuống chân núi để làm chuyện vặt vãnh. Thế nhưng, siêng năng làm bài tập lại đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố nền tảng kiến thức. Một là, mỗi bài tập khó thường có những điểm mấu chốt riêng, nằm ngoài những kiến thức nền tảng (đôi khi cách tiếp cận của nó rất độc đáo). Hai là, kể cả với bài tập dễ, nó cũng là cơ hội để ta củng cố và hoàn thiện lại hệ thống kiến thức mà ta đang có, bởi vì không có gì bảo đảm rằng hệ thống đang nằm trong đầu ta là đã thật sự hoàn hảo.

Tinh Vi            

Quan điểm của bạn thì sao?


"Những tấm lòng cao cả" là một tập truyện dành cho lứa tuổi học trò, nhưng các bài học của nó thì cũng đáng để người lớn suy nghĩ. Xin cám ơn các bạn đã chia sẻ tập truyện này.

Lòng yêu nước
Lòng yêu nước không thể bán rẻ, bất kể đối với người lớn hay trẻ em, bất kể người sang hay kẻ hèn. Một em bé nghèo khó cũng biết thể hiện lòng yêu nước theo cách riêng của mình.
Xem
Em bé quét mồ hóng
Những nữ sinh tốt bụng được mô tả đẹp tựa thiên thần bé nhỏ. Đọc xong, có thể chúng ta sẽ có liên tưởng tới những nữ sinh thời hiện đại: sặc sỡ thì có sặc sỡ đó, nhưng nghênh ngang ngoài lộ và cười nói ngả ngớn. Như thế mới là "teen" và "sành điệu"?...
Xem
Người bán than & ông quý phái
Có những người tự cho rằng mình là người thuộc "đẳng cấp" trên, nhưng thực sự họ chưa bao giờ có thể xử sự một cách văn minh lịch thiệp như một nhà quý tộc trong câu chuyện này.
Xem
Em bé trinh sát
Thêm một chuyện kể về lòng yêu nước. Một em bé đã hy sinh như một người lính trinh sát dũng cảm. Em chết đi, với tư thế của một người trưởng thành, của một vị anh hùng.
Xem
Quả cầu tuyết
Khi gây ra lỗi phải biết dũng cảm nhận lỗi. Đó là bài học nhỏ nhưng đáng giá. Thế nhưng thái độ công chúng cũng rất quan trọng. Nếu người bị hại chỉ biết chăm chăm ăn vạ còn công chúng thì hùa theo gây sức ép, thì thật dễ hiểu khi văn hóa đường phố ngày nay đã ngày càng xuống cấp...
Xem
Chàng viết mướn
Câu chuyện cảm động về lòng hiếu thảo và sự hy sinh của một người con. Người đọc sẽ thấy được tình cảm cha con trong một gia đình nghèo.
Xem
Đứa con người thợ rèn
Trong số những người bạn học, ta có thể bắt gặp một ai đó có hoàn cảnh thật khó khăn. Nhưng người đó sẽ luôn cố gắng chịu đựng và che giấu những khó khăn gặp phải...
Xem
Chú lính đánh trống
Chiến tranh - trẻ nhỏ cũng phải cầm súng để chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Nhưng chiến đấu như thế nào mới đáng gọi là anh hùng? Hãy đọc câu chuyện đầy tính hào hùng này.
Xem
Chiếc xe hỏa máy
Hãy dạy con biết chia sẻ với bạn bè như câu chuyện này. Luôn luôn giúp con hiểu rằng: cho cũng chính là nhận.
Xem
Một kẻ tù phạm
Mỗi người đều có một góc khuất nào đó. Nhưng ta vẫn có thể nhìn thấy những khía cạnh tích cực của một con người, kể cả khi anh ta ở tận đáy của xã hội. Hơn nữa, ta cũng cần phải biết tôn trọng những góc khuất đó...
Xem
Những trẻ em mù
Bài học về lòng yêu thương và thông cảm với những người bất hạnh. Những người mù là một trong những người bất hạnh nhất trên đời. Câu chuyện này sẽ giúp ta hiểu hơn về thế giới tối tăm của những người mù. Nhưng họ vẫn biết vươn lên từ đêm tối...
Xem
Thầy học cũ của cha tôi
Câu chuyện đầy tính nhân văn về lòng tôn kính với thầy cô không phai mờ theo năm tháng. Nghề giáo dù có đạm bạc nhưng luôn là một nghề cao quý và được xã hội kính trọng.
Xem
Lòng nghĩa hiệp
Lòng nghĩa hiệp có thể đến từ một cậu bé không? Và xã hội tôn vinh như thế nào đối với những những có lòng nghĩa hiệp?
Xem
Hy sinh
Cha mẹ luôn hy sinh vì con cái. Nhưng con cái cũng biết hy sinh vì cha mẹ cũng quan trọng không hề kém. Một con người không biết sống vì chính cha mẹ mình thì cũng chẳng biết sống vì những người khác.
Xem
Một vụ hỏa tai
Lính cứu hỏa - người phải làm công việc đầy nguy hiểm để bảo vệ tính mạng và tài sản công dân - là một trong người mà ta phải ngưỡng mộ và trân trọng nhất.
Xem
Quê người tìm mẹ
Câu chuyện một người đi hàng trăm dặm để tìm người yêu đã là nguồn cảm hứng để viết nên bản nhạc "500 miles" nổi tiếng. Nhưng xem ra câu chuyện này vẫn chưa gây xúc cảm mạnh bằng câu chuyện một em bé đi hàng ngàn dặm để tìm mẹ?!...
Xem
32 độ
Giấc ngủ của một người siêng năng lao động: không chỉ là một nhu cầu cần thiết mà còn được tôn trọng, thậm chí cả khi người đó ngủ gục trong lớp! Đây cũng là một câu chuyện về lòng bao dung và tinh tế của một người thầy...
Xem
Đắm tàu
Câu chuyện về cách xử sự hào hùng của một cậu bé với người bạn gái. Khi đứng ở lằn ranh giữa sự sống và cái chết, cái bản ngã tốt-xấu của con người sẽ bộc lộ rõ ràng nhất.
Xem
Từ biệt
Tuổi học trò hồn nhiên và vô tư. Trong ngày chia tay đầy xúc cảm, bạn bè chào tạm biệt nhau, thành thật ôm nhau hôn, quên hết những nỗi bất hòa và những niềm ác cảm.
Xem

Lòng từ thiện
Tôi ngồi yên, tiếp tục mơ màng. Con Phaedra đã đưa tôi trở lại thời thơ ấu. Với con Phaedra trên đồng cỏ, tôi lại có thể tin tưởng vào các câu chuyện thần tiên. Tôi có thể dừng lại bên nó, ngồi xuống và mơ mộng. Bản chất dịu dàng của nó đã làm những căng thẳng hàng ngày của tôi dịu bớt.
Xem
Quà tặng của cuộc sống
Cha mẹ tôi biết đấy là quà tặng quý giá của cuộc sống! Sau đó không bao lâu, cha mẹ quyết định mời bạn bè và bà con đến dự lễ kỷ niệm 45 năm ngày cưới, thay vì phải đợi thêm 5 năm nữa.
Xem
Giữa cái sống và cái chết
Tim tôi như vỡ tung từng mảnh khi đọc những lá thư ấy. Tôi xót xa cho gia đình Jason. Làm sao tôi có thể cảm ơn em và gia đình em cho hết về món quà vô giá này? Món quà mà nhờ đó tôi được kéo dài cuộc sống?
Xem
Những giây phút khó quên
Nội ơi. Con không được thả ra khỏi đây nữa rồi bởi vì con đã không làm đúng theo lời nội dạy. Nhưng lần này con cố học thật tốt để lấy được tấm bằng GED này. Con muốn chứng tỏ cho nội thấy rằng con rất muốn trở thành người tốt.
Xem
Ngày sinh nhật của tôi
Đã thế tôi còn cư xử thật ích kỷ. Bây giờ tôi thật hối hận đã nói những lời không phải với mẹ tôi. Quả thật chỉ khi mình sắp mất hoặc đã mất rồi mình mới biết quý những gì mình có.
Xem
Trận lụt
Trong suốt tháng sau chúng tôi phải ở nhờ nhà bạn bè. Tôi thật sự đã học được một bài học từ trận lụt ấy. Tôi đã học được thế nào là sự tàn phá, thế nào là tình gia đình, bạn bè; là lá lành đùm lá rách. Với kinh nghiệm này tôi sẽ luôn cảm thông với nỗi khổ đau mất mát của người khác.
Xem
Một cầu vồng chưa đủ
Con từng nghe nói khi có ai đó chết thì ông trời sẽ gửi cầu vồng đến đón người ấy lên trời. Ngày ba đi xa có tới hai cầu vồng song song, hiện trên bầu trời. Ba cao 1m90 nên một cầu vồng chưa đủ để đưa ba lên trời.
Xem

Và nhiều câu chuyện khác...
Mục lục

 
Lời tâm sự   |  Kinh nghiệm học hành   |  Kinh nghiệm dạy con   |   Trang chia sẻ
Trang chủ   |   Tin tức   |   Diễn đàn   |   Chat   |   CNTT   |   Nhân sự - PR   |   Anh văn   |   Thư viện   |   Liên lạc
©Copyright 2006-2008 All rights reserved www.tinhvi.com    •    Email: master_tv@tinhvi.com    •  Tinh Vi    •  Tinh Vi
 
 
Freeware
Tạo nhanh hàng loạt các bài toán, giúp bé luyện tập làm toán » ver 2.5
Phần mềm nhỏ gọn giúp tìm các hợp âm cho bản nhạc » ver 1.5
TỪ ĐIỂN online
Từ điển VDict gồm 7 bộ từ điển khác nhau, được xem là bộ từ điển trực tuyến tốt nhất hiện nay.
Nhập từ cần tra:

ĐỌC BÁO online
HÌNH ẢNH